Maria Sharapova sinh năm 1987 tại Nga. Năm 4 tuổi, cô bắt đầu cầm vợt tại quê hương Sochi. Bố của Sharapova nhận ra tài năng của cô con gái và đưa sang Floria, Mỹ để theo học quần vợt chuyên nghiệp. Năm 2002, khi mới 14 tuổi và 9 tháng, Sharapova trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử vào chung kết giải trẻ Australian Open nhưng để thua Strycova. Hai tháng sau, cô thi đấu giải chuyên nghiệp WTA đầu tiên tại Pacific Life Open. Tại Wimbledon 2003, Sharapova nhận vé đặc cách lần đầu tham dự. Cô vào đến vòng 4 với điểm nhấn là hạ hạt giống số 11 Jelena Dokic, chiến thắng đầu tiên trước một tay vợt trong top 20. Đến tháng 10, "Masha" giành danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp tại Tokyo sau khi vượt qua Aniko Kapros 2-6, 6-2, 7-6, giúp cô lần đầu vào top 50 thế giới. Tại Wimbledon 2004, tay vợt người Nga gây tiếng vang khi vượt qua hạt giống số 1 Serena Williams để lên ngôi vô địch khi mới 17 tuổi. Danh hiệu Grand Slam đầu tiên giúp cô lần đầu vào top 10 thế giới. Cuối năm đó, Sharapova một lần nữa hạ Serena để vô địch WTA Finals. Tháng 8/2005, Sharapova trở thành nữ tay vợt Nga đầu tiên lên ngôi số 1 thế giới. "Búp bê Nga" vỡ òa vui sướng khi lần đầu cầm chiếc cúp vô địch US Open 2006 sau khi vượt qua tượng đài Justine Henin. Đầu năm 2007, cô được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Sau đó, tay vợt Nga dính chấn thương vai và bỏ lỡ gần hết mùa đất nện năm thứ 2 liên tiếp. Đầu năm 2008, "Masha" đánh dấu sự trở lại ấn tượng tại Australian Open. Cô lần lượt hạ bệ cựu số 1 thế giới Lindsay Davenport, hạt giống số 1 Justine Henin, Jelena Jankovic và Ana Ivanovic để lên ngôi vô địch mà không để thua bất kỳ set đấu nào. Nửa mùa giải sau đó, Sharapova tiếp tục dính vận đen khi chấn thương vai tái phát. Cô bỏ lỡ Olympic Bắc Kinh và US Open. Wimbledon 2009 đánh dấu sự trở lại của "Masha" nhưng cô sớm dừng bước tại vòng 2. Wimbledon 2011, Sharapova thể hiện lối chơi đỉnh cao, nhưng thất bại ở trận chung kết trước Petra Kvitova. Dẫu vậy, đây là thành tích tốt nhất của cô trong hơn 3 năm và kết thúc năm ở vị trí số 4 thế giới.
Năm 2012, Sharapova hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu Grand Slam sau khi vượt qua Sara Erani trong trận chung kết giải Pháp mở rộng. Cô trở thành tay vợt nữ thứ 10 trong lịch sử hoàn tất các danh hiệu lớn, và trở lại ngôi vị số 1 thế giới. Tại Olympic London 2012, Maria Sharapova trở thành nữ vận động viên đầu tiên cầm cờ Đoàn thể thao Nga trong lễ khai mạc. Cô giành tấm HCB đơn nữ sau khi để thua Serena ở trận cuối cùng. Năm 2013, tay vợt Nga một lần nữa vào chung kết Pháp mở rộng nhưng không bảo vệ thành công ngôi vô địch khi thua Serena. Sau đó cô gặp chấn thương xương đòn. Tuy nhiên, Sharapova tiếp tục cho thấy sự trở lại mạnh mẽ. Cô lần thứ 2 vô địch Pháp mở rộng khi vượt qua Simona Halep ở chung kết năm 2014. Đây cũng là danh hiệu lớn cuối cùng của cô. "Masha" khởi đầu năm 2015 hoàn hảo với chức vô địch Brisbane và sau đó là ngôi á quân Australian Open. Một lần nữa, Sharapova nhận thất bại trước đối thủ quen thuộc Serena. Tay vợt người Nga tiếp tục kém duyên với các năm lẻ. Sau Australian Open 2016, Sharapova bị cấm thi đấu 2 năm vì dương tính với chất meldonium. Tuy nhiên, sau khi Sharapova kháng án, lệnh cấm của cô giảm xuống còn 15 tháng. Stuttgart 2017 đánh dấu sự trở lại của "Búp bê Nga". Cô chiến thắng ngay trận đầu tiên trước Roberta Vinci. Tại Rome, Sharapova rút lui ở vòng 2 sau chấn thương đùi và nghỉ toàn bộ mùa giải sân cỏ. Năm 2018, cô nhận vé đặc cách tham dự giải đấu ở Thiên Tân. Ngay lần đầu dự giải, Sharapova đã lên ngôi vô địch, danh hiệu đầu tiên kể từ năm 2015. Tại Australian Open 2020, Sharapova tham dự bằng vé đặc cách sau khi tụt sâu trên bảng xếp hạng. Cô nhận thất bại ở trận ra quân trước Donna Vekic. Sau giải này, "Masha" rớt xuống hạng 373, thấp nhất kể từ tháng 8/2002. Tối 26/2, "Búp bê Nga" tuyên bố giải nghệ ở tuổi 32 sau những chấn thương liên tiếp. Cô giành được tổng cộng 36 danh hiệu WTA và hơn 30 triệu USD tiền thưởng.
Tiến Đạt |
16:16 27/02/2020