SEA Games 29 - Sân chơi của Thanh Tùng
22 tuổi, chủ nhân của 3 tấm HCV SEA Games 29. Lê Thanh Tùng có thể nói đang là gương mặt "hot" nhất của TDDC Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Chỉ một ngày sau khi giành tấm HCV đồng đội cùng Đặng Nam, Đinh Phương Thành, Phạm Phước Hưng, chàng trai trẻ của TP HCM tiếp tục ghi dấu ấn đặc biệt với 2 tấm HCV cá nhân liên tiếp ở các nội dung nhảy chống và xà đơn.
Chiến thắng của Thanh Tùng là một bất ngờ khi bên cạnh anh vẫn còn rất nhiều đàn anh tài năng, song đó là "bất ngờ có thể dự báo trước". Ngày 21/5 vừa qua - tức chỉ đúng trước 3 tháng trước khi SEA Games 29 khởi tranh, Thanh Tùng đã gây ấn tượng mạnh khi trở thành VĐV nam đầu tiên của TDDC Việt Nam giành được HCV ở giải Vô địch châu Á nội dung nhảy chống. Ở chính giải đấu đó, Thanh Tùng đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để giành tấm HCV lịch sử.
Trước đó không lâu, Thanh Tùng cũng từng khiến các HLV môn TDDC của Việt Nam "nở mày nở mặt" khi bất ngờ giành HCV tại World Challenge Cup 2017 (diễn ra ở Qatar) cũng ở nội dung nhảy chống. Theo đánh giá của HLV Trương Minh Sang, độ khó của môn nhảy chống (đặc biệt là khâu tiếp đất) là thử thách của bất kỳ VĐV nào. Ngay cả "nữ hoàng TDDC" Phan Thị Hà Thanh ở thời đỉnh cao cũng chỉ mới giành được tấm HCB châu Á vào năm 2013.
Với một lộ trình chọn điểm rơi phong độ hợp lý, Thanh Tùng đã tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games 29. Sau cú hattrick của chàng trai 22 tuổi, giới chuyên môn phải gật đầu kháo nhau rằng: "Đây chính là tương lai của TDDC Việt Nam."
Vươn lên từ khó khăn
Không phải "con nhà nòi", Thanh Tùng đến với TDDC cũng tình cờ như nhiều VĐV nổi tiếng khác như Tiến Minh (cầu lông) hay Kim Tuấn (cử tạ). Năm 4 tuổi, Tùng theo chân một người anh đến nhà thi đấu để chơi và ngay lập tức bị thu hút bởi những động tác dẻo dai, khỏe khoắn của các VĐV. Thấy Tùng nhanh nhẹn, sáng dạ, các HLV cho cậu bé tập thử và từ đây họ nhìn ra Thanh Tùng sẽ là một tài năng sáng giá trong tương lai.
Chỉ 3 năm sau, Tùng lọt vào nhóm VĐV trẻ trọng điểm, thường xuyên được đưa đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Tùng chia sẻ rằng 8 năm ăn tập trên đất khách khiến anh nhớ nhà khôn nguôi, song cũng từ đó sự quyết tâm, tinh thần của anh trở nên bền bỉ, sắt đá hơn bao giờ hết. "Nhiều khi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và em gái quay quắt. Nhưng đã quyết gắn bó với TDDC thì phải theo nó tới cùng", Thanh Tùng quả quyết.
Nhìn ánh mắt rạng ngời, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi Thanh Tùng, ít ai nghĩ anh xuất thân từ một gia đình lao động khá khó khăn. Cha Thanh Tùng làm nghề chạy xe ôm, còn mẹ anh bán bánh mì. Theo Thanh Tùng chia sẻ, vì bận bịu mưu sinh nên cha mẹ rất ít khi có thời gian đến xem anh thi đấu trực tiếp.
Tuổi thơ lớn lên cùng xe bánh mì của mẹ, khó khăn vất vả là vậy, nhưng sự lạc quan luôn trong tâm trí chàng trai trẻ: "Tôi luôn tâm niệm rằng trong bất kỳ trường hợp nào, sự lạc quan không bao giờ là thừa cả. Bạn xuất thân thế nào không quan trọng, điều quan trọng là bạn đã sống như thế nào và làm được những gì mà thôi. Thể thao với tôi đầu tiên là đam mê, sau đó tôi có thể kiếm một số tiền để phụ giúp mẹ đỡ vất vả hơn."