Bán hết bánh mới về
Bà nội Ánh Viên cho biết rất vui khi thấy cháu gái trên ti vi đoạt nhiều huy chương vàng nhưng muốn nắm tay cháu mà không được - Ảnh: Đình Tuyển. |
Đưa bàn tay da đồi mồi, nhăn nheo, sờ lên bức ảnh chụp cả gia đình trong một dịp Ánh Viên về thăm nhà, bà Võ Thị Bảy (73 tuổi), bà nội Ánh Viên mắt đỏ hoe xúc động: “Xong đợt SEA Games này, tui mong cháu được về thăm ông bà già này. Đã lâu lắm rồi nó không về. Dù hổm nay, thấy cháu trên ti vi đoạt nhiều huy chương vàng, vui lắm, nhưng muốn nắm lấy tay nó mà không được, nhớ nó quá chừng.”
Trên khuôn mặt của ông bà nội Ánh Viên hiện rõ một cảm xúc tự hào, hạnh phúc đến rưng rưng. Nhìn bức ảnh, bà Bảy lại kể: “Hồi nhỏ, con bé đen thui hà, cũng khá là khỉ khọt nhưng mà ngoan lắm. Mới lớp 2, lớp 3 là biết đi đặt lờ bắt cá dưới rạch, đi bắt ốc, bắt cua trên đồng về cho mẹ. Ngộ cái là nó đã xách lờ ra đồng là một hồi mang nhóc cá về.”
Cũng theo lời bà Bảy, lúc bé xíu, Ánh Viên đã biết tự trồng đu đủ, trồng ớt để thu hoạch bán kiếm tiền mua sách vở, đóng tiền học phụ gia đình. Nhưng có lẽ, với những người dân ấp Ba Cau, chợ Long Tuyền, hay chính bà nội Ánh Viên, ấn tượng nhất về thuở nhỏ của kình ngư này là hình ảnh “nhỏ Viên bán bánh bò”.
Bà Bảy nhớ lại: “khoảng 7-8 tuổi, thấy bà làm bánh bò, bánh lá dừa bán cực khổ, con bé liền xin đi bán phụ. Riết rồi thấy nó, người ta biết ngay là nhỏ Viên bán bánh bò cháu bà Bảy nhà trong Ba Cao."
Ông nội Ánh Viên luôn tự hào về tính cách chững chạc, từ nhỏ đã có quyết tâm cao của cháu gái - Ảnh: Đình Tuyển. |
Bà nội “nữ hoàng” đường đua xanh cũng không quên nhắc lại một kỷ niệm mà bà không thể quên, vào ngày tổng kết năm học lớp 4, trong khi bạn bè xúng xính chuẩn bị quần áo đẹp đến trường thì Ánh Viên vẫn phụ bà bán hết giỏ bánh mới đi nhận giấy khen.
“Tôi rầy nó, sao bữa nay nhận giấy khen mà không ra lớp sớm, đi bán chi. Nó trả lời gọn ơ: con bán chút xíu là xong rồi nội ơi ra nhận cũng đâu trễ. Mà nó bán bánh rất có duyên, tính nết vui vẻ, hoạt bát, ai cũng thích và ủng hộ nên bán xíu là hết veo”, bà Bảy nói. Ngồi ngẫm lại tuổi thơ của cháu gái, ông Nguyễn Văn Tới, ông nội Ánh Viên nói đầy tự hào: “Cái nết con Viên từ nhỏ đã có quyết tâm dữ lắm. Làm cái gì cũng phải xong. Xách giỏ bánh đi bán là gặp ai cũng mời, mua thiếu cũng bán, hết bánh mới chịu về, chẳng khi nào bỏ dở giữa chừng.”
Tấm huy chương đầu tiên
Ánh Viên năm chụp ảnh chung với cô giáo năm 2007 và hai tâm huy chương đầu tiên - Ảnh chụp lại: Đình Tuyển. |
“Cùng lứa với Viên ở ấp Ba Cau còn có hơn 10 đứa trẻ. Rạch Ba Cau hồi đó sạch lắm, không nhiều lục bình, rác rưởi như bây giờ nên chiều chiều bọn trẻ hay rủ nhau ra tắm. Khi ấy, Ánh Viên đã bơi giỏi hơn cả con trai... dù chỉ bơi theo bản năng, không có kỹ thuật gì,” ông Tác, ba Ánh Viên kể lại.
Cũng theo lời ông Tác, năm 2006, khi đang học lớp 4, trường Tiểu học Long Tuyền 1, Ánh Viên thấy các bạn cùng trường đi thi bơi ở hội khoẻ phù đổng huyện thua te tua nên tức lắm. Năm 2007, khi học lớp 5, Viên đã mạnh dạn đăng ký thi bơi ở trường.“Lần đầu thi, nó đứng thứ nhì trường, rồi được chọn đi thi Hội khoẻ phù đổng cấp huyện. Không ngờ giành được 1 huy chương vàng cấp huyện, 1 huy chương bạc cấp thành phố,” ông Tác kể. Những tấm huy chương đó chính là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời siêu kình ngư Ánh Viên ngày nay.
Những năng khiếu Ánh Viên thể hiện và đặc biệt là tinh thần thi đấu rất quyết tâm đã đưa cô bé ở ấp Ba Cau lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên của Trung tâm thể dục thể thao quốc phòng 4, Quân khu 9. Bà Ánh Hồng, mẹ Ánh Viên nhớ lại:“Khi các thầy vào nhà vận động cho cháu đi học bơi ở ngoài thành phố, vợ chồng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con mình có năng lực được các thầy tuyển chọn, nhưng lo vì con nhỏ quá, phải xa nhà rồi không biết sẽ sống ra sao.”
Bộ sưu tập, huy chương và bằng khen, giấy khen của Ánh Viên - Ảnh: Đình Tuyển. |
Hai vợ chồng ông bà Tác và Hồng bàn bạc, hỏi ý kiến ông bà, anh chị em, rồi đi đến quyết định cuối cùng là cho Ánh Viên đi học bơi. “Thiệt tình lúc đó, vợ chồng tôi chẳng tham vọng cháu sẽ đạt thành tích cao gì, chỉ mong, cháu ra trung tâm học bơi, mai mốt lên cấp 3 thì có trường gần đó để học chữ, còn ở trong quê này, đi học khổ trần ai,” ông Tác nói.
Cuộc sống xa nhà bắt đầu
Hơn 1 tháng đầu tiên trở thành học viên năng khiếu của Trung tâm thể dục, thể thao quốc phòng 4, quân khu 9, ngày nào ông Tác cũng phải chạy xe gần 40 km đưa đón con. Cứ học xong văn hóa ở trường, hai cha con lại túc tắc chở nhau ra trung tâm để tập luyện, đến chiều muộn lại chở nhau về.
“Con bé được đi học bơi vui lắm vì có các bạn tập trung, lại có thầy chỉ dẫn. Tập xong ra thấy ba không bao giờ than mệt, chỉ than đói, rồi bắt ba mua bò lụi ở cổng trung tâm cho ăn; chiều nào cũng ăn, ăn riết chị bán bò lụi quen mặt luôn,” ba Ánh Viên kể.
Ba Ánh Viên chia sẻ về quãng thời gian đầu phải đưa rước con gái đi tập bơi ở Trung tâm thể dục, thể thao quốc phòng 4, quân khu 9 - Ảnh: Đình Tuyển. |
Vài tháng sau, Ánh Viên tốt nghiệp cấp 1, trường Tiểu học Long Tuyền 1, Viên được bố trí vào ở luôn tại trung tâm thể dục, thể thao quốc phòng 4 để thuận lợi cho huấn luyện. Từ đó, mỗi dịp cuối tuần, ông Tác mới được đến trung tâm đón con về nhà.
Ông Tác nói: “Mỗi lần thấy nó về nhìn đen thui như ông Táo, bà con lối xóm, nhiều người lại cười tôi bảo: con gái mà cho nó bơi bọng làm gì, phơi nắng, phơi mưa cực khổ lại còn đen thui thế kia. Họ đâu biết, ý mình chỉ đơn giản cho con ra đó học bơi rồi tiện học chữ cho thuận lợi. Thiệt tình vợ chồng tôi chỉ dám ao ước sau này con lớn làm cô giao thể dục trường làng là mừng rồi... có mơ cũng đâu nghĩ đến ngày nay.”
Mẹ Ánh Viên nói thêm: “Cho con đi học xa, thương và nhớ con lắm. Nhiều hôm đêm khuya, mưa lớn tỉnh giấc, nhớ nó không ngủ được. Mà càng về sau, thời gian nó được về nhà càng thưa dần: 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng rồi bây giờ là cả năm không về”...
(Còn tiếp)