Chuyện chưa kể về quyết định “sống còn” của gia đình Ánh Viên

00:33 Thứ hai 15/06/2015

Khi tài năng bơi lội của Ánh Viên mới chớm nở, nhiều Trung tâm TDTT đã đến thuyết phục nhưng gia đình đã đưa ra quyết định mang tính "sống còn" cho Ánh Viên về Trung tâm TDTT quốc phòng 4 một điều khiến nhiều người bất ngờ vì ở thời điểm đó, Trung tâm này lại thua sút những nơi khác về mọi mặt.

Đại tá Bùi Văn Mộng kể về quá trình thuyết phục gia đình Ánh Viên.

Trung tâm TDTT quốc phòng 4 được thành lập năm 1998, năm sau, Thượng tá Bùi Văn Mộng (nay là Đại tá, Phó chánh thanh tra quốc phòng Quân khu 9) được điều về giữ chức Giám đốc trung tâm. Những ngày đầu, trung tâm gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất lẫn kinh phí hoạt động. Cũng bởi vậy, nên công trình hồ bơi được khởi động từ năm 1998, nhưng đến năm 2000 mới được khởi công xây dựng, 3 năm sau thì hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bước đầu, hồ bơi hoạt động với nòng cốt hỗ trợ cho thể thao học đường trên địa bàn, nhằm mục đích phát triển TDTT phong trào, tiến tới phát triển TDTT thành tích cao.

Đại tá Bùi Văn Mộng kể: "Ngày đó, môn bơi lội của trung tâm gần như chưa có gì, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để xây dựng một lực lượng VĐV làm nòng cốt, để thu hút các tài năng cho phát triển về sau. Qua tìm hiểu, gặp gỡ và trao đổi, trung tâm đã ký hợp đồng huấn luyện với thầy Võ Thanh Bình theo dạng vừa học vừa làm, vì thời điểm này, thầy Bình chỉ là sinh năm thứ nhất thuộc chuyên ngành TDTT (trường cao đẳng sư phạm Cần Thơ).

Sau đó, thầy Bình và những cán bộ khác bắt đầu đi khắp nơi săn lùng các tài năng nhí. Khi chọn được người, sau một thời gian, nếu em nào tỏ ra phù hợp với môn bơi lội, trung tâm sẽ hỗ trợ vấn đề ăn uống, còn những em không phù hợp, nhưng muốn tiếp tục gắn bó với môn này, vẫn được trung tâm tạo điều kiện để tập bơi. Ngoài ra, các em không hề có được chế độ hay trợ cấp gì khác."

Đến năm 2006, sau khi đạt được những thành tích ấn tượng tại HKPĐ cấp huyện (Phong Điền), Ánh Viên đã lọt vào “tầm ngắm” của cán bộ trung tâm. Điều đáng chú ý là lúc này, một số trung tâm TDTT trên địa bàn Cần Thơ cũng rất “kết” Ánh Viên, và liên tục cử người đến nhà vận động gia đình cho Ánh Viên về đầu quân luyện tập, thi đấu.

“Lúc đó, trung tâm thua đứt những nơi khác về mọi mặt, nên việc cạnh tranh bằng các chế độ trợ cấp hay lương bổng là không thể. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển TDTT, chúng tôi quyết tâm không để bỏ qua những cơ hội như vậy”. Đại tá Mộng nói

Sau đó, trung tâm cho các “trinh sát” đến nhà tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của gia đình Ánh Viên. Mục tiêu được quán triệt là phải làm sao có sự gắn kết giữa trung tâm và gia đình, tạo cơ sở cho công tác vận động tư tưởng.

Rồi ngày này qua ngày nọ, khi thì cán bộ xuống nhà, khi thì người nhà Ánh Viên được mời đến trung tâm để trò chuyện. Theo đại tá Mộng, việc vận động là cả một quá trình gian khó.

“Lúc bấy giờ, tôi phân tích rất nhiều về các mặt lợi và hại nếu Ánh Viên về trung tâm. Đặc biệt, môi trường quân đội tuy có khắt khe, nhưng nó cũng tạo ra sự an tâm cho gia đình, không sợ con mình sa vào những thói hư tật xấu. Thêm vào đó, truyền thống tốt đẹp quân và dân vốn đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Các anh em ở trung tâm không chỉ là người chỉ huy, người thầy mà còn là người cha, người anh, người chú… thứ hai, với sự quan tâm hết mình dành cho các em.

Ảnh: Quang Thắng

Ngoài ra, chúng tôi đã cam kết, nếu Ánh Viên phù hợp với bơi lội, trung tâm sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để em phát triển. Và điều quan trọng nhất là ông nội Ánh Viên rất có cảm tình với ngành quân đội, nên thành quả đến bất ngờ – khi gia đình Ánh Viên đồng ý cho cháu về đầu quân ở trung tâm". Đại tá Mộng kể thêm.

Do Ánh Viên còn nhỏ tuổi, nên gia đình đã ký với trung tâm một hợp đồng, nhưng không phải dạng “chính quy”, mà chỉ có thể hiểu như một văn bản ghi nhớ trách nhiệm của đôi bên, và Ánh Viên cũng không có lương bổng gì ngoài việc hỗ trợ các bữa ăn hàng ngày.

“Các em phải luyện tập trong điều kiện rất thiếu thốn, nhưng không hề than vãn, ngược lại, các em rất thông cảm cho những khó khăn của trung tâm, nên rất hăng say luyện tập” đại tá Mộng cho biết.

1 năm sau khi về trung tâm, Ánh Viên được cử đi thi đấu tại giải bơi lội diễn ra ở Đồng Tháp và giành được HCĐ. Một thời gian sau nữa, gia đình Ánh Viên dần cảm thấy an tâm về công tác dạy dỗ và huấn luyện của trung tâm, nên đã viết một bản đề nghị (giấy tập học trò – PV) với nội dung: Mong muốn trung tâm tạo điều kiện cho Ánh Viên tập luyện bơi lội, gia đình cam đoan không gửi Ánh Viên cho một trung tâm TDTT nào khác. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại chuyện đó, Đại tá Mộng vẫn còn xúc động, bởi chính ông cũng không nghĩ lại được gia đình Ánh Viên dành cho niềm tin tưởng tuyệt đối đến như vậy, nhất là cái buổi hàn vi, trung tâm gặp gian khó đủ đường.

Đến năm 2010, cô bé Ánh Viên tạo nên “cơn địa chấn” trong làng bơi lội khi giành được 10 HCV/10 nội dung đăng ký tại giải vô địch các nhóm tuổi.

Trong năm này, tại huyện Phong Điền đã diễn ra buổi lễ tuyên dương các vận động viên trẻ tiêu biểu, đây là cột mốc đánh dấu việc người ta bắt đầu hiểu biết và dành cho Ánh Viên sự quan tâm nhiều hơn.

Cũng từ đây, trung tâm đã có cơ sở để đề nghị cấp trên đảm bảo các chế độ cho VĐV tài năng. Sau đó, Ánh Viên được công nhận là VĐV cấp 1, rồi trở thành kiện tướng.

“Khi Ánh Viên không ngừng gặt hái thành công, việc đề xuất với cấp trên về các khoản chế độ dành cho VĐV đã dễ dàng hơn. Cũng nhờ có Ánh Viên mà chúng tôi có kinh phí cải tạo hồ bơi cùng nhiều khoản kinh phí khác”. Đại tá Mộng cười mãn nguyện.

Đến hôm nay, chứng kiến những thành công rực rỡ của Ánh Viên, Đại tá mộng rất tự hào về cô bé học trò mà trung tâm đã từng dạy bảo. Ông Nguyễn Văn Tới (ông nội Ánh Viên) cho biết: “Hồi đó, sau khi trò chuyện với Đại tá Mộng, tui hoàn toàn bị thuyết phục. Nếu Ánh Viên không về trung tâm quốc phòng 4 mà về chỗ khác, không biết giờ tương lai sẽ ra sao. Cháu tui có được như ngày hôm nay, công đầu đều của các thầy ở trung tâm, và người tui mang ơn nhất chính là Đại tá Mộng”.

Trần Lưu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục