Cống hiến cho bóng chuyền nam Long An gần hết một thời tuổi trẻ, góp sức mang về nhiều thành tích đáng nể ở cả cấp độ CLB (2 HCB Đại hội TDTT toàn quốc, 2 HCB Giải Vô địch quốc gia, 1 Cúp Hùng Vương, 1 Siêu cúp quốc gia, nhiều lần giành hạng 3 toàn quốc) lẫn đội tuyển quốc gia (HCB SEA Games 28, HCĐ SEA Games 25, 26 và 27) nhưng Lê Quang Khánh và đồng đội chỉ được nhận khoản phụ cấp hằng tháng vỏn vẹn 2,5 triệu đồng suốt thời gian dài sau khi Hoàng Long Group "trả" đội bóng này lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An vào tháng 1-2011.
Các trụ cột của đội như Lê Thanh Tùng, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Văn Sang đã dứt áo ra đi từ lâu không ngoài chuyện sinh kế. Dùng dằng mãi, đến đầu năm 2017, Quang Khánh mới nộp đơn xin nghỉ khi gia đình có thêm con nhỏ, khó có thể sống bằng đồng lương không thể eo hẹp hơn từ ngành thể thao địa phương.
Đã lường trước mọi khó khăn nhưng Quang Khánh không thể ngờ đơn vị chủ quản quyết "triệt" đường sống của mình khi ra một quyết định sai luật, cấm anh thi đấu toàn quốc dù đã chấp thuận đơn xin nghỉ việc. Trước sau, Trung tâm TDTT tỉnh Long An chỉ vin vào bản cam kết mà cha của Quang Khánh thay mặt con trai mới 16 tuổi đặt bút ký hồi năm 2004, theo đó, anh sẽ phải thi đấu cho đội bóng Long An trong vòng 5 năm, tức đến năm 2009.
Tám năm sau khi bản cam kết đã hết hiệu lực, Trung tâm TDTT tỉnh Long An vẫn cứ khăng khăng bám vào câu chữ trong văn bản để "đấu" với Quang Khánh - chiêu trò mà người trong nghề ai cũng hiểu chỉ nhằm vòi vĩnh tiền chuyển nhượng nếu có đội bóng nào đó mở rộng vòng tay, tạo đường sống cho cựu chủ công đội tuyển quốc gia đã 29 tuổi này. Lời cam kết "muốn nghỉ hoặc chuyển sang đội khác sau 5 năm phải có sự thỏa thuận đồng ý của Sở TDTT Long An" chính là cái "vòng kim cô" mà trung tâm này quyết áp đặt vào bằng mọi giá để "hành" VĐV của mình bất chấp sự chỉ trích của dư luận cũng như nỗ lực của Quang Khánh đưa vấn đề này lên TAND tỉnh Long An để được phân xử theo luật lao động.
Chưa nói đến chuyện đúng sai theo pháp luật, thể thao Long An đã cư xử rất thiếu tình người trong trường hợp Quang Khánh. Biết rõ VĐV của mình không thể sống bằng mức thu nhập quá ít ỏi, chưa kể khoản phụ cấp này còn bị nợ lại hàng tháng trời, ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Long An, vẫn dửng dưng ràng buộc các thành viên của đội bóng chuyền nam, trong đó có Quang Khánh, bằng chiêu bài "cho vào biên chế nhà nước"! Phải đến khi Quang Khánh đâm đơn kiện ra tòa, Sở Nội vụ tỉnh Long An mới có văn bản trả lời Trung tâm TDTT tỉnh rằng Quang Khánh không được tuyển dụng đúng quy trình nên không thể là viên chức nhà nước như VĐV này lầm tưởng suốt nhiều năm qua.
Vụ việc lên đến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Tổng Thư ký Lê Trí Trường khẳng định việc Trung tâm TDTT tỉnh Long An ra thông báo cấm thi đấu toàn quốc đối với Lê Quang Khánh là vô hiệu, sai nguyên tắc. Không những thế, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam còn quyết định cấp thẻ VĐV mùa bóng 2017 cho Quang Khánh, đồng nghĩa với việc cầu thủ này có thể đầu quân cho bất cứ đội bóng nào anh muốn để duy trì phong độ đồng thời có thu nhập phụ giúp gia đình.
Chỉ tiếc cho đội tuyển nam quốc gia chuẩn bị làm nhiệm vụ SEA Games 29 không có được sự phục vụ của tay chủ công hiệu quả Lê Quang Khánh.
Được TP HCM tiếp nhận
Theo thông tin mới nhất, Quang Khánh đã được đội tuyển TP HCM tiếp nhận và anh sẽ thi đấu cho đội ở giai đoạn 2 Giải Vô địch quốc gia 2017, diễn ra vào tháng 12.
Hồ sơ vụ việc của Quang Khánh đang được TAND tỉnh Long An thụ lý. Theo các chuyên gia tư vấn pháp luật, khả năng thua kiện của ngành TDTT Long An là rất cao.
* Bài và ảnh: Đào Tùng