Thể thao Việt Nam bắt đầu vươn mình ra biển lớn tại ASIAD 1982 được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ). Bỏ qua kỳ ASIAD 1986 không tham dự, đất nước hình chữ S góp mặt tổng cộng 9 kỳ Á vận hội tính đến Indonesia năm 2018.
11 tấm HCV sau 32 năm tham dự ASIAD
Trong lần đầu hội nhập với đấu trường thể thao châu Á, đoàn thể thao Việt Nam ghi dấu ấn với tấm HCĐ môn bắn súng thuộc về xạ thủ Nguyễn Quốc Cường. Với số lượng 40 thành viên chỉ tranh tài vỏn vẹn 3 môn thi đấu, Việt Nam khép lại ASIAD 1982 với thứ hạng 22 trên tổng số 33 đoàn tham dự.
Thể thao Việt Nam mất 8 năm để tiếp tục được tham dự kỳ Á vận hội. Lần này là ASIAD 1990 diễn ra trên đất Bắc Kinh (Trung Quốc). Với số thành viên 104 tranh tài ở 13 bộ môn, gần gấp 3 so với năm 1982, Việt Nam khép lại giải đấu mà không giành nổi tấm huy chương nào.
Bốn năm sau thất bại tại Bắc Kinh, thể thao Việt Nam đến với Hiroshima (Nhật Bản) với nhiều sự kỳ vọng. Võ sĩ Trần Quang Hạ của taekwondo trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành tấm HCV ở ngày hội thể thao lớn nhất châu lục. Anh lên ngôi ở hạng cân 58 kg.
Bên cạnh tấm HCV của Quang Hạ, đội tuyển karatedo còn “ẵm” thêm 2 tấm HCB thuộc về hai nam võ sĩ Phạm Hồng Hà và Trần Văn Thông. Chúng ta khép lại giải đấu trên đất Nhật với thứ hạng 19 trên bảng tổng sắp huy chương.
Taekwondo vẫn là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam tại ASIAD 1998. Không làm người hâm mộ thất vọng, võ sĩ Hồ Nhất Thống mang tấm HCV duy nhất về cho nước nhà. Nhất Thống lên ngôi ở hạng cân 58 kg và giúp Việt Nam kết thúc giải đấu tại Thái Lan với thứ hạng 22 trong 41 đoàn.
Thể thao Việt Nam tạo dấu ấn đáng kể tại ASIAD 2002 diễn ra ở Busan (Hàn Quốc). Đất nước hình chữ S bất ngờ giành 4 tấm HCV đến từ Vũ Kim Anh (karatedo), Nguyễn Trần Bảo Ngọc (karatedo), Lý Đức (thể hình) và Trần Đình Hòa (billiards). Việt Nam vượt chỉ tiêu 3 HCV đề ra và xếp hạng 15 toàn đoàn. Đây là số lượng HCV nhiều nhất của chúng ta trong suốt 9 kỳ tham dự Á vận hội.
Với 247 VĐV ở 25 môn tranh tài, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 3 tấm HCV tại ASIAD 2006. Đất Doha (Qatar) ghi dấu chiến công của đội tuyển nữ cầu mây với cú đúp vàng ở nội dung đôi nữ và đồng đội. Bộ ba chủ lực của đội cầu mây nữ Lưu Thị Thanh, Bích Thùy và Hải Thảo đã mang niềm vui về với người hâm mộ.
VĐV karatedo Vũ Nguyệt Ánh là người giành tấm HCV còn lại. Khép lại ASIAD 2006, thể thao Việt Nam sở hữu 3 HCV, 13 HCB và 17 HCĐ, đứng thứ 19.
Đất Quảng Châu (Trung Quốc) chào đón 392 thành viên của đoàn thể thao Việt Nam tranh tài ở 26 môn. Nhưng đây là kỳ ASIAD đáng quên của chúng ta khi chỉ đoạt đúng 1 tấm HCV. Sự xuất sắc của VĐV karatedo Lê Bích Phương vớt vát lại danh dự cho nước nhà ở ngày hội thể thao lớn nhất châu lục năm 2010.
Việt Nam một lần nữa thể hiện sự thất vọng tại ASIAD 2014 với 1 tấm HCV của VĐV Dương Thúy Vi đến từ môn wushu vào ngày thi đấu cuối cùng. Bên cạnh tấm HCV duy nhất của Thúy Vi, Việt Nam đoạt thêm 10 HCB và 25 HCĐ ở 21 môn tham gia.
Tính từ ASIAD 1982 đến nay, thể thao Việt Nam sau đúng 32 năm đã có tổng cộng 11 HCV đến từ các bộ môn karatedo (3), taekwondo (2), cầu mây (2), thể hình (1), bắn súng (1), billiards (1) và wushu (1).
Thể thao Việt Nam lần đầu có vàng ASIAD ở bộ môn thuộc Olympic
Đoàn thể thao Việt Nam đến với ASIAD 18 với 352 VĐV, tranh tài ở 32 môn thi đấu. Mục tiêu của đoàn tại giải đấu trên đất Indonesia phấn đấu giành từ 3 đến 5 tấm HCV. Sức ép rất lớn đè nặng lên vai từ các quan chức, HLV đến VĐV, bởi chúng ta chỉ giành 1 HCV ở ASIAD 2010 và 2014.
Các niềm hy vọng vàng như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) hay tuyển nam thể dục dụng cụ liên tiếp đối mặt với những thất bại.
Khi tất cả đang lo sợ thêm một thất bại nữa đến với thể thao Việt Nam, thì rowing – môn thể thao không được đặt nhiều sự kỳ vọng đã giải tỏa cơn khát vàng cho nước nhà vào sáng 23/8. Đội tuyển rowing Việt Nam gồm các tay chèo Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Ly và Phạm Thị Thảo xuất phát ở làn số 4 tại chung kết thuyền bốn nữ hạng nhẹ.
Với thành tích 7 phút 1 giây 11, bỏ xa đội xếp thứ hai tuyển Iran lên đến 3 giây 27, các cô gái Việt Nam xuất sắc giành tấm HCV. Tuyển Hàn Quốc giành HCĐ với thời gian 7 phút 6 giây 22. “Chúng tôi nói riêng và đội tuyển rowing Việt Nam nói chung rất tự hào và vinh dự khi đã mang lại chiến thắng cho đất nước của mình," tay chèo Tạ Thị Huyền chia sẻ.
Với tấm HCV giành được vào sáng 23/8, đoàn thể thao Việt Nam có bước thăng tiến đáng kể trên bảng tổng sắp huy chương. Việt Nam nhảy 7 bậc để đứng hạng 13 trên bảng tổng sắp với 1 HCV, 4 HCB và 7 HCĐ. Bên cạnh đó, các tay chèo của tuyển rowing còn được thưởng nóng 650 triệu đồng.
Trên thực tế, bộ môn taekwondo được hai VĐV Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống giành vàng tại ASIAD 1994 và 1998 chưa được tính vào hệ thống Olympic. Bắt đầu từ năm 2000, bộ môn này mới được áp dụng tại các kỳ Thế vận hội.
Như vậy, tấm huy chương vàng của đội tuyển rowing Việt Nam tại ASIAD 18 giúp đoàn thể thao nước nhà lần đầu tiên trong lịch sử bước lên ngôi ở một bộ môn thuộc hệ thống cao nhất của thể thao thế giới.