Chính thức góp mặt tại đấu trường Thế vận hội từ năm 1952, khoảng thời gian khá dài sau Thế chiến thứ hai để ổn định kinh tế và xây dựng lực lượng thể thao, Liên Xô (ở Barcelona 1992 mang tên Cộng đồng các quốc gia độc lập và từ Atlanta 1996 mang tên Nga như hiện nay) cùng với Mỹ là 2 “ông lớn” ở những ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này. Bộ đôi Nga - Mỹ từng thay nhau thống trị sân chơi Olympic. Lần gần nhất Nga không có tên trong 3 thứ hạng dẫn đầu chung cuộc chính là tại London 2012, khi Mỹ, Trung Quốc và chủ nhà Anh chia nhau các thứ hạng cao nhất đại hội.
Thời hoàng kim của thể thao Xô viết kéo dài hơn nửa thế kỷ và những biến động gần đây khiến người ta không khỏi hoài nghi, thậm chí đòi lật lại hồ sơ như một động thái tích cực nhằm trả lại thanh danh và vinh quang cho các VĐV trong sạch phải chịu lép vế trước những kẻ cơ hội, mưu mô.
Hai bản kết luận điều tra được công bố trong vòng 8 tháng gần đây như những cái tát trời giáng nhắm vào thể thao Nga. Xứ sở bạch dương trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới với những chứng cứ khó chối cãi kèm theo cáo buộc sử dụng doping có hệ thống trong một thời gian dài và được chính quyền cấp cao nhất bảo trợ. Kết quả cuộc điều tra do cựu chủ tịch Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) Dick Pound đứng đầu dẫn tới hệ lụy là 67 VĐV điền kinh Nga mất quyền tham dự Thế vận hội 2016. Báo cáo mới nhất được công bố bởi luật sư Richard McLaren cùng các cộng sự cũng của WADA chính là nguyên nhân khiến rất nhiều quốc gia phải lên tiếng yêu cầu Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm Nga không được góp mặt tại Rio mùa hè 2016.
Không được đến Rio, các VĐV điền kinh Nga tranh tài tại Giải Stars 2016 ở Moscow. Ảnh: Internet. |
Chỉ tiếc là phán quyết của IOC hôm 24-7 không như mong muốn của tất cả. Tổ chức này vẫn đồng ý cho phép thể thao Nga cử lực lượng đến Brazil với điều kiện từng VĐV phải chứng minh được sự trong sạch của mình, không liên quan đến bất cứ sự cố doping nào trong sự nghiệp trước đó. Quyết định của IOC đã phần nào làm giảm bớt sự căng thẳng trước đó giữa Nga và nhiều cường quốc thể thao vốn có đại diện ở tất cả tổ chức quản lý như IOC, IAAF, WADA hay cả… tòa án CAS. Không phải ngẫu nhiên, cũng chẳng phải không có lý do để người đứng đầu IOC, cựu vô địch Thế vận hội môn bắn cung và hiện là một luật sư, ông Thomas Bach đưa ra một quyết định khiến cả nước Nga thở phào. Trung thành với quan điểm “không bỏ sót người, lọt tội và bảo đảm quyền lợi của tất cả VĐV,” việc Chủ tịch IOC Thomas Bach cho phép thể thao Nga tranh tài tại Thế vận hội vừa tránh làm mất lòng một đồng minh lớn là nước Nga vừa là một lời tuyên chiến khác với vấn nạn doping.
Ông Thomas Bach trao quyền cho từng liên đoàn thể thao thành viên kiểm tra nhân thân mỗi VĐV, đặc biệt những người mang quốc tịch Nga, để xác định họ có đủ tư cách thi đấu ở Rio 2016 hay không. Ngay cả những người có “tiền sử” liên can đến doping, dù đã chấp hành xong các án phạt, vẫn bị loại từ vòng tuyển chọn sơ bộ này.
Theo thông tin mới nhất tính đến hết ngày 30-7, ngoài 67 VĐV điền kinh bị cấm từ trước, đã có thêm 8 VĐV cử tạ và 6 VĐV xe đạp bị truất quyền đến Rio, nâng tổng số VĐV Nga mất quyền tranh tài tại Thế vận hội kỳ này lên con số 115. Nhật báo Telegraph (Anh) nhận định trong trường hợp nghiêm trọng nhất, đoàn thể thao Nga có thể mất tới 90% số VĐV đã đăng ký tham dự Olympic, tức chỉ có khoảng 40 VĐV đủ tiêu chuẩn thi đấu tại Brazil.
Nếu dự báo này thành sự thật, đây sẽ là một kỳ Olympic thảm họa không chỉ đối với thể thao Nga mà còn cho cả thể thao thế giới.
|